Dùng điều hòa đúng cách trong ngày nóng
Dù là mùa hè nhưng nhà chị Giang vẫn nằm đệm, bật điều hòa. Mấy hôm trời nóng, điều hòa nhà chị bao giờ cũng để ở mức 22, 23 độ C. Nếu thấy lạnh thì đắp chăn, “con lại ngủ ngon, mà mình nằm trong chăn ấm cũng thích”.
“Lúc cầm hóa đơn tiền điện mà mình suýt ‘ngất’. Ai đời bật có mỗi cái điều hòa mà hết bằng đấy tiền điện, xót quá. Nghĩ hoặc là bị ‘câu’ trộm điện hoặc là máy bị rò điện nên mới thế, nhưng gọi thợ đến sửa thì thấy không có vấn đề gì”, chị Giang nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Lợi, Giảng viên bộ môn kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí, Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh (Đại học Bách khoa Hà Nội), việc vừa nằm đệm, đắp chăn lại bật điều hòa nhiệt độ thấp như nhà chị Giang là rất lãng phí, trong khi chỉ cần tăng nhiệt độ lên 1 độ là có thể tiết kiệm được khoảng 7% điện năng tiêu thụ.
Trong những ngày nóng 40-41 độ C này, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ là giải pháp tối ưu với nhiều gia đình. Tuy nhiên không phải ai cũng biết để ở chế độ nào, nhiệt độ bao nhiêu để vừa tiết kiệm điện vừa đảm bảo sức khỏe, tiến sĩ Lợi cho biết.
Theo ông, để tiết kiệm điện, trước hết người tiêu dùng nên lựa chọn máy điều hòa biến tần vì có khả năng tiết kiệm đến 50% điện năng so với máy điều hòa thế hệ cũ.
Bên cạnh đó, khi lắp đặt cũng phải đảm bảo che nắng hợp lý, cửa sổ và cửa ra vào phải kín khít, thông gió hợp lý (nếu có thể thì bố trí thông gió thu hồi nhiệt). Chỉ bằng việc này, bạn đã có thể tiết kiệm đến 30% điện năng tiêu thụ so với những căn nhà thô sơ thông thường.
Các biện pháp cụ thể như sau:
– Không để dàn nóng bị ánh nắng mặt trời chiếu vào, không bị cản gió, tốt nhất nên lắp ở hướng Bắc hoặc Nam. Nếu lắp ở hướng Đông hoặc Tây thì nên có mái che nắng, tuy nhiên mái che không được cản trở luồng gió lưu động qua dàn nóng.
– Dàn lạnh nên lắp ở vị trí có thể toả lạnh đều trong phòng và đường gió cũng không bị cản trở.
– Dàn nóng và dàn lạnh lắp càng gần nhau càng tốt, độ cao chênh lệch giữa 2 dàn càng nhỏ càng tốt, như thế sẽ rất tiết kiệm điện.
Ngoài những yếu tố trên, việc hút chân không dàn lạnh cẩu thả, ga nạp trong máy quá nhiều hoặc quá ít, để rò rỉ ga, cách nhiệt đường ống và mối nối không tốt… đều dẫn đến tiêu thụ điện năng cao.
Tiến sĩ Lợi cũng lưu ý, không cài đặt nhiệt độ trong nhà quá thấp vì vừa lãng phí vừa dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: cảm cúm, ho, cảm lạnh…. Nên để điều hòa ở 27 hoặc 28, thậm chí 29 độ C vào ban đêm, sử dụng kèm với quạt sẽ rất tiết kiệm điện.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến hệ thống lưu thông gió để đảm bảo không khí tươi trong nhà. Với nhà kiểu cũ, phòng cửa gỗ thì không cần thông gió vì gió lọt do rò rỉ là đảm bảo cho nhu cầu ôxi của người trong phòng. Nhưng đối với các kiểu nhà hiện đại, cửa kính thì cần bố trí lấy gió tươi bằng quạt gắn sát trần. Nếu không có điều kiện thì thi thoảng phải mở cửa để có sự trao đổi không khí với bên ngoài. Việc mất lạnh khi mở cửa là không tránh khỏi, tuy nhiên mỗi lần mở cửa ta được khoảng 3 m3 không khí tươi.
Một chi tiết quan trọng nữa là khi tắt máy điều hoà thì phải tắt nguồn (tắt aptômat). Vì nếu chỉ tắt bằng điều khiển từ xa thì máy vẫn tiêu tốn điện.
Việc vệ sinh thường xuyên cho máy cũng giúp tiết kiệm năng lượng. Thông thưòng 2 tuần vệ sinh phin lọc không khí trong nhà một lần, một năm vệ sinh dàn nóng và dàn lạnh tổng thể một lần. Nếu khu vực có nhiều bụi phải vệ sinh 2 hoặc nhiều lần.
Nếu sợ môi trường điều hòa khô, bạn có thể làm tăng độ ẩm cho phòng bằng quạt hơi nước là tốt nhất. Nếu không chỉ cần đặt một chậu nước trong phòng, phơi một khăn ướt thấm nước cũng là đủ.