Để bảo vệ sức khỏe và tiết kiệm điện, không nên để thấp hơn 10 độ so với nhiệt độ ngoài trời, phù hợp nhất vào khoảng 28 độ.
Với kiểu dáng nhỏ gọn, trọng lượng dưới 10kg, máy điều hòa treo tường đang là loại thông dụng nhất trên thị trường. Ngoài ra, các loại điều hòa âm trần (gắn chìm trên trần nhà), âm tường (gắn chìm vào tường) hay áp tường (điều hòa cây) cũng là sự lựa chọn phổ biến.
Bên cạnh các tính năng hiện đại như ngắt tự động khi đủ lạnh, làm sạch không khí… tiêu chí tiết kiệm điện năng và bảo vệ môi trường ngày càng được các nhà sản xuất đặt lên hàng đầu.
Ngày càng có nhiều lựa chọn cho người sử dụng.
Phó giáo sư Phạm Văn Tùy, bộ môn Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí, Viện Khoa học và công nghệ nhiệt – lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Các nhà sản xuất thường sử dụng bộ biến tần, cho phép máy tự điều khiển chế độ nhiệt độ phù hợp”. Khi nhiệt độ trong phòng đủ lạnh, bộ biến tần sẽ giảm hoặc ngừng hoạt động của máy. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học nhiệt lạnh, cơ chế này cho phép giảm đến 30% điện năng so với máy điều hòa thông thường.
Theo ông Tuỳ, để tiết kiệm điện và đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng, không nên để nhiệt độ trong phòng điều hòa thấp hơn 10 độ so với nhiệt độ ngoài trời (nhiệt độ phù hợp nhất vào khoảng 28 độ). Để nhiệt độ quá thấp, khi ra ngoài, nhiều người sẽ có cảm giác bị sốc, choáng váng.
Khi không sử dụng thường xuyên, không khí trong phòng có thể bị ủ độc làm nhiều người khi mới bước vào phòng thường bị choáng váng, hắt hơi, sổ mũi. Do vậy, sau vài ngày không sử dụng máy, cần mở cửa, làm không khí trong phòng thông thoáng rồi mới mở máy trở lại.
Máy điều hòa cần được vệ sinh thường xuyên các bộ phận làm lạnh, thiết bị sấy, cánh quạt… Đối với bộ phận lọc không khí, thông thường mỗi tháng phải lau rửa một lần hoặc nhiều hơn nếu hoạt động trong môi trường bụi bẩn. Có thể lấy nước sạch pha thêm một chút xà phòng để lau, rồi làm khô bằng vải mềm.